[S25E00]Thanh Tịnh – Quê Mẹ # Lời Tựa

Thanh Tịnh có lẽ là nhà văn đầu tiên ở miền Trung đã trình bày các mối dây liên lạc nơi ông với đồng nội quê hương, những dây liên lạc nhẹ nhàng như tơ đồng ngày thu, nhưng không vì thế mà kém phần vương vít và quyến luyến. Gió mùa của cả một vùng làng mạc và đồng ruộng ấy, chúng ta thấy lướt qua trong tác phẩm của ông, trong những truyện ngắn mà hầu hết khung cảnh là lũy tre của một xóm nhỏ, hoặc dòng sông con chẩy qua ruộng lúa xanh tươi. Cốt truyện chỉ là những việc xảy ra trong đời thường ngày của các nhân vật vẫn sống trong các làng, bến rải rác theo dọc sông, hoặc đã rời bỏ các nơi ấy đi làm ăn phương xa, nhưng mà trong lòng lúc nào cũng tưởng nhớ cái Tình Quê-hương đằm thắm.

Làng Mỹ-lý (một dặm đẹp) có lẽ không phải là một làng có thật trên bản đồ. Nhưng mà lại thật hơn, nếu tôi có thể nói thế, — đầy đủ và hoạt động hơn bất cứ một làng nào. Làng Mỹ-lý có lẽ chỉ là biểu hiệu cho tất cả các làng mạc trong một miền, nhưng cái tài của tác giả đã khiến cho gần gụi và thân mật; chúng ta tưởng đâu như sống đã lâu năm ở trong đó, cùng với người làng tham dự vào các công việc hàng ngày và cùng chia xẻ những nỗi buồn, vui.

Và chúng ta được chứng kiến những công việc rất thôn quê và mộc mạc. Một ngày gặt lúa, một buổi ra làng, hay một chuyến đò dọc từ chợ làng Thiện đến đầu làng Viễn-trình. Những cảm tình cũng giản dị như cuộc đời sống ấy, và chỉ đầy đủ hương vị trong lũy tre hay trên đồng ruộng ấy mà thôi. Có lẽ, linh hồn người ở đấy còn nhiều màu sắc khác, trong cuộc sống còn nhiều bi kịch khác, nhưng mà tác giả chỉ tả có cái vẻ êm ả và nên thơ. Tâm hồn ưa thích cái gì vừa đẹp đẽ, vừa nhè nhẹ, tác giả không lách đi sâu, nhưng dừng lại ở một làn gió, ở một cái thoảng hương thơm của hoa cỏ bốn mùa. Chiều trong Quê Mẹ thật dịu dàng, và bóng trăng trong Quê Bạn cũng hiền lành êm ả. Tình quê hương của cô Thảo là một cái tình man mác và An-nam lắm. Cũng như cái tình yêu trung thành và kín đáo của cô Sương, an phận và nhẫn nại ngay từ trước khi yêu. Và trong những tình đó, có cái gì nho nhỏ xinh xinh, một cái gì đáng yêu thương khiến chúng ta cảm động; và chúng ta chú ý lắng nghe cái giọng hò mái đẩy (trong câu truyện hay Tình trong câu hát) ngân dài trên phá Tam-giang giữa cánh đồng bát ngát và dưới « trời một vùng đêm dài không hạn». Đó là tiếng nói của những tâm hồn quê mùa kia, bài ca hát của đất nước một miền đồng ruộng, nhờ tác giả mà nhịp điệu và giọng buồn đến thắm thía chúng ta.

Thanh Tịnh đã muốn làm người mục đồng ngồi dưới bóng tre thổi sáo để ca hát những đám mây và làn gió lướt bay trên cánh đồng, ca hát những vẻ đẹp của đời thôn quê. Ông có đạt được chăng cái ý muốn ấy, và tiếng sáo kia có uyển chuyển du dương không, tôi xin để các bạn đọc phán đoán lấy. Tôi chỉ muốn nói rằng trong lúc các nhà văn ta bắt đầu trở về đất nước để gìn giữ các hương hoa, Thanh Tịnh đã cho chúng ta nghe cái tiếng sáo nhỏ và thanh của ông, khẽ nổi lên lẫn với tiếng hò của bạn gặt trên sông để ca ngợi cái tình và cái thi vị của một vùng.

THẠCH LAM